Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

TRÀ ĐÀM


Chủ nhật, ngày 01 tháng hai năm 2009


Người Việt uống trà - Kỳ I


NGƯỜI VIỆT UỐNG TRÀ ...TÀU

Chuyện uống trà...nói mãi không hết
Người Nhật Bản có Trà đạo - Đạo uống trà. Lục Vũ đời nhà Tống bên Tàu có soạn Trà kinh - sách dạy cách uống trà..Nước Anh, Nước Nga là những xứ không hề sản xuất trà nhưng đã du nhập thú uống trà từ các xứ khác về, tạo thành một thứ đồ uống đặc trưng cho đất nước...
Đó là chuyện nước ngoài.
 

Việt Nam là một đất nước sản xuất trà nguyên liệu có hạng trên toàn thế giới cả về số lượng, chủng loại và chất lượng...Cách uống trà ở Việt Nam có hai trường phái rõ rệt, khác nhau về đối tượng uống, mục đích uống, đồ dùng để uống, cách uống v..v..Trà Tầu - trà quý tộc và Trà Xanh - trà bình dân.
Trong bài này tôi xin thu góp một số hiểu biết và trải nghiệm về trà tầu, là chuyện nhiều người đã biết, xin để hôm sau có thì giờ nhiều hơn nói về chuyện Trà Xanh, một loại trà, một phong cách uống trà độc đáo trên thế giới không hề đâu có!
Trà tàu : Uống trà theo phong cách người Trung Hoa, lúc đầu trà nhập khẩu từ Trung Hoa và về sau rồi trà sản xuất trong nước chế biến theo kiểu Trung Hoa. Trong VANG, BÓNG MỘT THỜI Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân đã viết khá nhiều về chuyện uống trà "quý tộc" này.
Người uống thường là thế gia, quý tộc, tao nhân mặc khách, lấy uống trà là một cái thú tao nhã, di dưỡng tinh thần. Uống trà không ồn ào như uống rượu. Một mình ngồi uống gọi là độc ẩm, hai người cùng uống là song ẩm hay đối ẩm, nhiều nhất cũng chỉ có 4 người đã là quần ẩm rồi. Pha trà ấm lớn, dùng chén to, nhiều người uống ào ào...thì các Cụ xem thường mà gọi là "ngưu ẩm" ( uống như Trâu )
Nước pha trà tốt nhất là dùng nước mưa hứng giữa trời (không phải hứng ở máng nước mái nhà, cây cau...) gọi là vô căn thủy (nước không có gốc rễ). Có người cầu kỳ, có điều kiện thì buổi sáng sớm, chèo thuyền đi gạn những giọt sương đọng trên lá sen về cất đi để dành pha trà. Có những cái giếng đồi ( vùng đất đá ong ) cũng có những mạch nước nổi tiếng, người sành cất công đi xa hàng nửa ngày đường lấy về để pha trà.
Nước được đun trong những chiếc ấm siêu bằng đất mỏng tang ( quê tôi vùng Chợ Bộng, huyện Yên Thành, Nghệ An trước đây nổi tiếng về nghề làm ấm đất, nồi đất, mùa nước lụt, dân làng Bộng chống mảng mang nồi niêu đi bán khắp 3 huyện Diễn, Yên, Quỳnh, những tháng khác trong năm người hàng nồi đất gánh đồ đi từng đoàn, trông thấy từ xa, người, xe đi đường đều nép tránh vào bên đường...). Những nhà quyền quí ở thành thị thì sang nhất là dùng ấm bằng đồng điếu, là loại đồng đỏ, gò và dát thủ công chứ không phải ấm đúc. Bếp phải dùng hỏa lò bằng than "tầu", loại than củi chắc, nhiệt cao, không hề có khói. Nước mới bắt đầu sôi lục bục bong bóng nước to như mắt cá gọi là ngư nhãn, người ta bớt than đi giữ lửa nhỏ đều cho nước sôi già, tăm bong bóng sủi li ti như là mắt cua gọi là giải nhãn: lúc ấy mới châm nước pha trà.
Ấm chén uống trà phải là gốm mộc, không men, mầu gan gà, những Lưu Bội, Thế Đức, Mạnh Thần của Trung Hoa là loại hàng hiệu nổi tiếng, Việt Nam có loại gốm Chu Đậu cũng vào hàng có danh.
Chén uống trà là chén "hạt mít" rất bé, chỉ vừa một ngụm. Tại sao phải uống chén hạt mít? Đây là một bí quyết uống trà ai cũng áp dụng nhưng mà không phải ai cũng hiểu!
* Thưởng thức trà trước tiên phải thướng sắc - tức là mầu trà. Trà Ô long mầu đen, Hồng trà mầu đỏ, trà thủy tiên mầu xanh lơ, trà Việt Nam thì Trà Thái nguyên, nhất là Tân cương có mầu xanh nhạt không lẫn vào đâu được, trà Phú Thọ thì lại mầu đỏ hồng. Néu đùng chén trà sâu quá hay nông quá thì mầu trà hiện ra không đúng, nhìn không "sướng mắt"
* Tiếp đó phải thưởng hương - mùi thơm của trà. Dùng chén trà miệng loe rộng quá thì hương bay hết ra bên ngoài, nhưng nếu nâng chén trà hạt mít lên miệng thì hầu như 100% hương bay hết vào mũi...thật không hề phí chút nào!
* Cuối cùng là thưởng thức vị trà. Vị trà ngon chỉ cảm nhận được khi vừa đủ nóng để uống, nóng quá không uống được hay có nhấp vào cũng chẳng thấy vị, còn trà mà để nguội thì chỉ còn nước đổ đi, không đáng uống. Một chén hạt mít chỉ vừa một ngụm, sau khi rót ra, để vừa độ nóng là uống một ngụm hết luôn: Uống trà không thể có kiểu "nâng lên đặt xuống" như người uống rựou!


Tra một nhúm trà vào ấm, đổ nước sôi già vào rồi đổ ngay ra gọi là "rửa trà" nhằm làm mất hết bụi bặm tạp chất li ti bám vào làm hỏng hương vị trà. Trà Tầu thì chỉ tráng nhanh sơ qua còn trà Ta ( trà mộc ) thường tráng hơi lâu hơn. Tùy theo số người uống, ấm trà pha nước vào rồi mỗi lần phải rót hết ra các chén: ấm độc ẩm rót vừa 1 chén, ấm song ẩm đúng 2 chén còn ấm quần ẩm vừa đủ 4 chén. Người kỹ tính hơn còn phải rót trà từ ấm ra chén tống rối mới rót đều ra các chén quân: như vậy vừa để lắng cặn - nếu còn cặn - vừa để cho các chén trà đồng đều khỏi bị chén đậm chén nhạt như khi rót vòng quanh.

Trung quốc có những vùng như tỉnh Phúc Kiến nổi tiếng với trà Vũ Di sơn - với truyền thuyết về Trảm mã trà - Trà Long tỉnh, Trà Vương mẫu v..v..Người Việt Nam "sành điệu" uống trà thì không ưa các loại trà chế biến theo kiểu công nghiệp mà cũng không thích trà ướp hương - hương vay, hương mươn - như là trà sen, trà nhài v,,v,,mà chỉ thích uống trà mộc, hương trà nguyên chất không vay mượn!
Trà mộc phải sao bằng tay trong chảo đất ( hoặc sau này có dùng chảo gang - tuy rằng theo các Cụ lão thành thì trà mà tiếp xúc với kim loại thì mất đi một phần hương vị ). Các Cụ trong nghề dạy rằng: Sao trà chính là làm cho "dậy hương trà". Có 3 mốc quan trọng: Mốc đâu là dã thảo hương - hương cỏ dại - hưong vị nhẫn đắng đặc trưng của các loại trà ngon thường uống. Qua giai đoạn đó đến mốc thứ hai là ngọc phong hương - hương mật ong - loại trà này uống vào lúc đầu còn hơi nhẫn đắng , nuốt xong ngụm trà còn lại dư vị dẻo quánh ngòn ngọt như mật ong: đấy là loại trà cực phẩm. Nhưng nếu là nguyên liệu thượng hảo hạng và người sao trà thật cao tay thì còn có mốc thứ ba là lưu lan hương: Trà lưu lan hương uống vào xong cảm thấy như mùi hương toát ra từ lỗ chân lông và còn phảng phất lưu lại mãi cả buổi sáng...Khi trà sao đến đúng chuẩn mốc thì người sao trà phải hạ thổ ngay lập tức và ủ lại để giữ hương. Mốc đạt chuẩn chỉ xuất hiện trong mấy giây đồng hồ, để quá đi là mất. Vì vậy người pha trà giỏi lắm thường cũng chỉ dám đến mốc ngọc phong hương là ngừng vì đến mốc lưu lan hương mà để quá đi thì sẽ thành trà khét tầm thường cho nên chỉ có những "đại cao thủ sao trà" mới dám mạo hiểm.
Có những loại trà đặc biệt chỉ có ở Việt Nam như Trà đắng, Trà Sam Cao Bằng, cây trà cổ thụ hàng chục năm tuổi mọc trên sườn núi cao mấy chục mét. Tôi còn được nghe, thấy và nếm một loại trà độc đáo của Việt Nam, xin kể ra đây để bà con cô bác cùng thưởng thức.
Một lần cách đây dăm chục năm, tôi đến gặp một cụ X một nhà khoa bảng nguyên trước là đồng môn và đồng liêu của Ông nội tôi. Thấy tôi là hậu sinh nhưng cũng ham mầy mò tìm hiểu chuyện xưa tích cũ, cụ hẹn tôi đến nhà vào một buổi sáng sớm để thưởng trà. Lúc đầu Cụ không cho tôi nhìn thao tác gì cả mà pha trà xong mới đưa cho tôi một chén. Thật kỳ lạ: trà không xanh như trà Thái Nguyên cũng không đỏ như trà Phú Thọ mà trắng tinh, trong suốt như là một chén nước sôi vậy! Tuy nhiên hương trà thật là tuyệt vời và khi nhấp vào miệng thì không thể tưởng tượng nổi có vị trà như vậy! Lúc thấy tôi đang ngẩn ngơ, Cụ mới thong thả giải thích. Chén trà tôi được uống có tên là Bạch tuyết Loa trà (Loa : con ốc). Người trồng trà chọn những cây trà khỏe mạnh, ngắt hết những mầm mọc ở mọi phía chỉ để lại những mầm trà mọc hưong Đông - Nam. Khi mầm trà đươc 1 tôm , 2 tép thì lấy một con ốc xoắn dài chùng7 - 8 cm đập vỡ một tí ở đầu nhọn cho có ánh sáng lọt vào rồi úp lên mầm trà. Mầm trà theo hướng ánh sáng mọc dài dài mãi cho đến khi nhú ra chỗ vỡ. Vì mầm mọc trong môi trường không có ánh sáng nên không có chất lục diệp, hoàn toàn một mầu trắng nõn và mầm non dài gần 10cm chứ không như bình thường chỉ 1, 2 cm là đã già. Khi đó người ta ngắt mầm trà xuống để trong con ốc mà sao, đến độ nào đó thì đập vỡ vỏ ốc lấy ra một búp trà xoăn tít trắng tinh ( nên gọi là bạch tuyết loa trà ). Sau lần đó đến nay hơn 50 năm tôi có nghe vài người nói đến tên loại trà đó nhưng cũng không còn thấy ở đâu nữa! 


* Hồi sau xin tiếp : Người Việt uống trà kỳ II 

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Sự tích Táo quân - Version 2.1


Chuyện Táo quân  - Version 2.1

 灶君  Zào jūn


Bịa sĩ: Vitayson
(Chuyện bịa 100%, chất lượng đảm bảo)



Hữu - Trung - Tả

Chuyện kể rằng (Ai kể không nhớ nữa!):


Ngày xửa ngày xưa có ba người bạn rất thân, một gái, hai trai, nhà ở gần nhau, cùng lớn lên, cùng học với nhau từ mẫu giáo vỡ lòng tiểu học trung học và rồi cùng tốt nghiệp một khóa.
Cô gái tên là Trung vốn con nhà Hà Nội gốc,đã xinh đẹp mà lại thùy mị nết na (Hà Nội xưa mới có của hiếm ấy chứ bây giờ tìm trong Google cũng chẳng ra kết quả đâu!).Hai chàng trai một tên là Tả, một tên Hữu gốc gác tận miền quê choa xứ lạ, hai ông Bố theo quân Nhà Vua bình định giặc Chiêm trở về được phân hai ngôi nhà khá lớn trong khu phố cổ ngay cạnh nhà Trung – là nhà tịch thu của bọn khách trú hồi trước bị tống khứ về nước.
Bố Tả vốn người tinh nhanh tháo vát, ăn nói giỏi giang nên rất được lòng cấp trên, hòa bình về chuyển ngành sang làm kinh tế dân sự, trên có Vua yêu, bạn đồng hàng vì nể dưới một bề nem nép nên chẳng mấy chốc đã trở thành đại phú gia thật là tài lộc song toàn. Bố Hữu là người có tài có chí, dù đi chinh chiến miệt  xa liên miên cả chục năm trời  nhưng vẫn say mê luyện rèn ngày võ đêm văn nên dù là lính tráng xuất thân nhưng bụng chứa sử sách, văn chương kinh lược mấy bồ, mấy ông Nghè ông Cống xuất thân chưa dễ gì bén gót.
Ba trẻ sống gần nhau, tuy gia cảnh hoàn toàn khác nhau nhưng chơi đùa với nhau rất thân thiết chẳng khác nào ruột thịt. Đến tuổi trưởng thành, bố mẹ Trung nghĩ chuyện gia thất cho con gái, đem lời ướm hỏi thì Trung chỉ đỏ mặt không trả lời được, đêm về suy nghĩ  tủm tỉm cười thầm nhớ lại những chuyện tình cảm tay ba mà cũng không tìm ra đáp án cho mình. Thấm thoắt cả ba đều đã trưởng thành. Tốt nghiệp xong Trung ở nhà phụ giúp mẹ buôn bán và mở một lớp dạy học cho trẻ em nghèo ngoài bãi. Tả đương nhiên là  nối nghiệp nhà, làm Tổng giám đốc rồi chủ tịch một đại công ty vốn nhà nước, sự nghiệp ngày một thăng tiến, tiền của cứ vào như nước. Hữu thì có chí tự lập, tự mình tập hợp bạn bè lập một doanh nghiệp nhỏ, dựa vào trí lự của mình mà khởi nghiệp kinh doanh, tuy không phất nhanh nhưng cũng vững vàng dần dần tiến lên. Tuy không có điều kiện gần gũi nhau như hồi thơ ấu nhưng cả ba vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau, đi picnic, du lịch tham quan, thăm viếng vui chơi với bạn bè, đi đâu cũng có 3 người gắn bó. Vốn là đại thiếu gia doanh nghiệp nên Tả nổi bật nghề ngón ăn chơi giao thiệp, đi đâu cũng nhiều người ngưỡng mộ trong số đó không thiếu gì kiều nữ hoa khôi nhưng chàng hầu như không nhìn ngó đến ai, trong mắt trong tâm chỉ có mình cô bạn thanh mai trúc mã. Trung khi đi cạnh Tả thấy những ánh mắt khâm phục pha lẫn ganh tỵ thì thường cũng thấy lâng lâng. Hữu vốn biết mình vụng về trong giao tiếp, xã giao hạn hẹp nên khi 3 người cùng đi đâu thì tự náu mình chỉ ở phía sau mà chăm sóc cho hai bạn. Việc gì đến rồi cũng đến, một ngày đẹp trời Tả ngỏ ý với Trung, tiếp đó gia đình bố Tả lúc đó là một đại thần đến đặt vấn đề và gia đình Trung tất nhiên đồng ý cái rụp! Phần Trung còn chút phân vân khó nghĩ mới đem chuyện nói thẳng với Hữu xem ý bạn thế nào. Hữu chua xót trong lòng nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy Trung lấy Tả thì quả thật hai người hạnh phúc vẹn toàn chứ kẻ vụng về như mình chưa chắc gì đem lại được niềm vui cho Trung, vì vậy nên cũng ra sức vun vào cho hai bạn. Đám cưới xong cả 3 vẫn giữ tình cảm thân thiết như xưa, thỉnh thoảng vợ chồng Tả - Trung vẫn mời Hữu đến nhà vui vầy ăn uống chuyện trò như ngày xưa.
Nhưng nào ai học đến chữ ngờ…mấy năm sau bố Tả vướng vào chuyện lớn Triều đình bị phế truất làm thứ dân, về quê âm thầm sống nốt những ngày tàn. Chuyện kinh doanh của Tả mất cột chống lưng cũng ngày một lụn bại, Tả buồn việc nhà, việc công ty nên ngày càng lún sâu vào chuyện cờ bạc ăn chơi bỏ bê công việc; đã thế còn nghe chúng bạn rủ rê địa ốc chứng khoán…nên tài sản trong nhà  dần dần đội nón ra đi. Trung nói nhỏ nói to mà Tả bỏ ngoài tai, lại còn đôi khi giở thói vũ phu nặng lời nặng tay vời người vợ tào khang. Trung vô cùng đau khổ, chẳng biết nói cùng ai  nên cói khi tìm đến Hữu mà trút niềm tâm sự. Phần Hữu  khi đó sự nghiệp kinh doanh đã phát triển bề thế vững vàng, biết chuyện cũng rất thật lòng muốn giúp bạn nên đôi lần tìm gặp Tả trao đổi. Nào ngờ, Tả không chấp nhận lòng tốt của bạn mà dứt khoát cắt áo tuyệt tình, lại còn tỏ ý nghi ngờ quan hệ của Hữu với vợ mình có điều chi mờ ám chăng! Để tránh hiểu lầm, từ đó Hữu cũng không gặp gỡ vói cả Tả và Trung nữa mà chỉ âm thầm lo giúp đỡ bạn bảo vệ sự nghiệp, tài sản. Tả bán cổ phiếu nào thì Hữu thu gom cổ phiếu đó, nhà cửa, đất đai của Tả bán đều dần dần sang tay Hữu nhưng vợ chồng Hữu vẫn không hay biết. Đến một ngày nọ, Tả hoàn toàn toàn phá sản, nợ nần đầm đìa bị chủ nơi thuê xã hội đen truy sát nên một thân một mình bỏ trốn mất tích, để lại vợ một mình ở lại không chốn nương thân không đồng tiền bát gạo, lại bị bọn bạn buôn cũ, bạn cờ bạc  của chồng khinh khi sàm sỡ hoàn cảnh thật là bi đát nên cũng phải bỏ xứ vào miền Nam náu mình sống qua ngày. Một hôm, lòng không túi rỗng, đi qua cửa hàng  4 tầng nguy nga của vợ chồng mình ngày xưa trên đại lộ Nguyễn Huệ, đứng ở cổng tần ngần mà trong lòng ứa lệ. Bỗng có một bà đứng tuổi bước ra hỏi han, cho biết là cửa hàng này hiện thuộc công ty của một ông chủ lớn ngoài Bắc mua và giữ nguyên mọi cách kinh doanh như cũ, chỉ đặt lại tên cửa hàng là “ Đại hiệu Trung – Tả - Hữu”, nhưng ông chủ bận bịu, thỉnh thoảng mới vào nên chỉ kinh doanh cầm chừng, nay đang cần mướn một người quản lý trông nom và hỏi Trung có bằng lòng vào làm không?  Như chết đuối vớ được cọc, Trung nhận lời và từ đó vào làm “ô sin” trong chính nhà mình. Tiếng là ô sin nhưng thực ra chẳng khác nào bà chủ vì mọi chuyện trong nhà đề do một tay mình tự ý sắp đặt, sai bảo kẻ ăn người làm, đề xuất phương án kinh doanh lại như xưa, mọi việc đâu ra đấy, sinh ý rất phát đạt. Trung thầm cảm ơn Trời Phật và cố sức làm lụng phát triển cửa hàng và đồng thời hết sức chu đáo tiền nong sổ sách, hàng tháng chỉ nhận phần lương mình đã được thỏa thuận còn thì không tơ hào mảy may của người ân chưa biết mặt.
Ba bốn năm sau, đại hiệu phát đạt, Trung cũng dần nguôi ngoai trong công việc nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ đến kỷ niệm xưa êm đềm ở góc phố cổ Hà Thành. Bỗng một hôm thư ký của ông chủ tịch công ty mẹ ngoài Bắc báo tin là giáp Tết âm lịch năm nay đúng ngày 23 tháng Chạp,  ổng  vào Sài gòn xem xét công việc sẽ ở lại lâu, ý ông chủ muốn bà quản lý tổ chức một buổi lửa trai BBQ - ăn cá nướng - ngoài vườn, ông chủ sẽ vào dự với bà và có mời một người bạn cũ của ổng. Trung mừng rỡ vì đã bao năm mới được gặp mặt để cám ơn người mình chịu ơn từ nhiều năm nay mà chưa hề biết mặt, chuẩn bị bữa tiệc rất chu đáo và lần đầu tiên sau gần mười năm mới trang điểm lại tí chút để đón tiếp ân nhân. Đêm tháng chạp se lạnh, ánh lửa ấm áp bập bùng giữa vườn cây rộng rãi và vắng lặng, Trung ngồi một mình trầm ngâm suy tư chờ khách. Bỗng cánh cổng sắt mở rộng, trên xe bước xuống một bóng người quen thuộc…”Anh Hữu!” – “Em Trung!”, hai người lao đến ôm chầm lấy nhau như những ngày thơ ấu và Trung khóc như mưa như gió, khóc như muốn cho nước mắt chảy vơi hết những nỗi niềm từ bao nhiêu năm tháng. Một chốc, bỗng Trung e thẹn, khẽ đẩy Hữu ra, cúi gầm mặt xuống…Hữu nhẹ nhàng nâng cằm Trung lên, nhìn thẳng vào mắt Trung và nói: “ Cực lòng lắm anh mới phải dùng cách này để giúp đỡ em…” và Hữu kể lại mọi chuyện thu xếp của mình khi mua lại toàn bộ tài sản của bạn để bảo toàn..” Hôm nay anh chính thức gặp để báo với em là anh trao trả toàn bộ vào tay em để em bảo vệ và phát triển…” Trung vẫn chảy nước mắt thầm, cúi đầu gục vào vai Trung nghe chuyện đến đấy thì không kìm được nữa, khóc òa lên và ôm chặt lấy Hữu…Vừa lúc đó có tiếng mở cổng sắt và tiếng nói vọng vào: “Bẩm ông chủ, người mà ông chủ cho gọi đã đến.” – “Cứ mời vào, để ông ấy đi một mình ra đám lửa trại ngoài vườn, chúng tôi đang chờ” – Quay sang Trung , Hữu lai khẽ cười : “ Em xem anh còn đem lại gì cho em nữa đây: Đã 3, 4 năm nay anh dò tìm tông tích của Tả, khi tìm được thì ngấm ngầm giúp đỡ cậu ấy làm ăn nhưng không để cậu ấy biết vì sợ tự ái. Mấy năm qua cậu ấy đã sửa đổi nhiều rồi,  hôm nay anh mời  lại đây nhưng không cho biết trước, để chúng mình lại cùng nhau họp mặt như thuở nào và rồi anh xin được trao trả lại cho em …và cho Tả những gì của hai vợ chồng”. Nghe xong, Trung lại khóc như mưa như gió ôm chặt lấy Hữu..Vừa lúc đó có tiếng chân xào xạc trên cỏ, Hữu ngửng đầu lên, cười lớn: “Nào lại đây, xem ai đây này!” – “Trời ơi anh Tả!” – Trung hét thất thanh. Tả, người mới đến chính là Tả, sững người lại: “Hai người! Sao lại là hai người! Thế này thì tôi không thể sống nổi nữa rồi” Nói xong , như điên như dại, Tả lao mình vào đống lửa trại. Hữu vội vàng đẩy Trung ra lao vào ôm lấy Tả kéo ra nhưng Tả ghì chặt, không chịu ra. Ngọn lửa phừng phừng táp quần áo hai người rồi bùng cháy toàn thân nhưng hai người vẫn ôm chặt lấy nhau. “Trời ơi, hai anh chờ em!” Hét lên một tiếng khủng khiếp, Trung lao vào đống lửa và ôm ghì lấy hai người thân yêu nhất trong đời của mình…Đống lửa trại trong đêm đông được ngọn gió phừng phừng bốc cao và đến sáng ngày mai chỉ còn đống  than âm ỉ, tro cốt tiêu hết nhưng lạ thay vẫn còn 3 đoạn xương cánh tay khóa chặt lấy nhau, bên rìa đống than còn mấy con cá  chép cháy dở…

Chuyện cũng kể rằng – Ngọc hoàng Thượng đế ở trên cao (không biết có thiệt không?) khi nghe chuyện thì rất cảm động bèn kêu Vitayson chép lại cho người đời xem, ghi lại một tình cảm bạn bè chung thủy sáng trong mà đời sau – nhất là đến thời kỳ kinh tế thị trường có đuôi xã hội chủ nghĩa này – tuyệt đối không bao giờ có được. Và Ngọc Hoàng cũng rất hâm mộ tình tình hào sảng trung thực nên phong cho 3 người làm Vua Bếp phụ trách chức năng công an mật trong từng hộ, hàng ngày theo dõi công việc, ghi chép cẩn thận để cuối năm, đúng ngày 23 tháng chạp thì lên báo cáo với Thiên đình!

Chú thích:
1. Chuyện mặc áo không quần là do sự hiểu biết lạc hậu về thời trang của người thời đó, nguyên là vì dự tiệc tối lửa trại ở ngoài vườn nên cả 3 đều mặc legging bó sát và đi bốt cho ấm mà đỡ vướng, bên ngoài  vẫn khoác pardessus để chống sương sa! Người xưa đếch biết mô đen nên cứ nghĩ sai, giá như cho sống lại thời nay mà ngắm các cô các bà mùa đông này lượn phố  thì biết thế nào là không mặc quần!
2. Vì tiệc BBQ cá chép, ngoài đống than còn mấy con cá chép chưa kịp được nướng nên dân gian cho rằng gia đình nhà Táo cưỡi cá chép lên Thiên Đình: chuyện ngộ nhận. Vì vậy sau khi đọc xong câu chuyện này, nhiều gia đình chuyển từ chuyện cúng cá chép vàng sống bé tí rồi đem thả thành việc cúng các chép nướng rất to, càng to càng có LỘC!
3. Chịu khó để ý mà xem, trong 3 ông đầu rau ngày xưa, hoặc 3 cái mấu ở bếp điện hiện đại thì mấu giữa - Trung - bao giờ cũng hơi thấp hơn và có vẻ mềm mại, mấu bên trái - Tả - thì có vẻ nuột nà nhưng hơi bấp bênh chỉ có mấu bên phải là chắc chắn, đáng tin cậy: các bà nội trợ nhớ khi đặt nồi niêu phải đặt lên mấu phải trước rồi mới đặt xuống thì đảm bảo không bị nghiêng đổ!

Không có nhận xét nào:


Đăng nhận xét