DANH VỊ PHỞ SƯ (Kỳ 3)
Theo nguyên lý của kinh tế thị trường, phàm có cầu thì ắt có cung, danh hiệu PS, PPS đã trở thành một mặt hàng có giá thì tất nhiên có nhu cầu rộng rãi, và đã có nhu cầu thì ắt có những người, những tổ chức, những tập đoàn, bí mật hoặc bán công khai, đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra những phương án nhanh chóng rút ngắn qui trình sản xuất những mặt hàng đó.
Theo qui định Nhà nước, muốn đạt danh hiệu PS, PPS có những tiêu chí “cứng” và những tiêu chí “mềm”
.
Một Phở sư chân chính hiếm hoi...
Tiêu chí mềm là việc bỏ phiếu, đồng thuận ở các cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành và cấp Nhà nước. “Không có việc gì khó!” Người Tầu xưa có câu tục ngữ: Nhiều tiền thì có thể sai quỷ kéo cối xay! Các tổ chức, tập đoàn không những có tiền lại có siêu quyền lực thì không phải chỉ có quỷ mà đến thần thánh phật tiên cũng sai khiến được huống chi là các Hội đồng. Ủy viên Hội đồng thì cũng là con người mà đã là người thì ai cũng có thất tình lục dục, mà dù cho có vài gã ủy viên “dở hơi” nào đó đi ngược lại với cơ chế thị trường – nghĩa là cơ chế mua bán trao đổi – thì các gã ấy cũng có vợ con, anh chị em v..v.. vưỡn là con người thực tế như bao người khác. Cuối cùng, nếu không thể điều khiển được họ thì … quá đơn giản: vô hiệu hóa bằng cách…đưa họ ra khỏi danh sách ủy viên Hội đồng, bằng cách điều động họ sang một vị trí long trọng ngồi chơi xơi nước… Hoặc cũng có thể dễ dàng chuyển các ứng viên đương sự sang những Hội đồng “thích hợp” mới thành lập khác! Trong những năm gần đây có nhiều vụ việc các quan nào đó phải chọn “gửi” vào những Hội đồng thích hợp để bỏ phiếu xét duyệt, chọn được Hội đồng toàn “chiến hữu” thì mọi việc đều là chuyện muỗi. Lại có chuyện, có quan không thấy được cửa nào trơn tru, nhân lúc mới về một nhà hàng mới nào đó liền ra sức lobby để Nhà hàng của mình được quyền thành lập Hội đồng cấp cơ sở và thế là tất nhiên thành phần Hội đồng đó toàn do mình mời trình lên cấp trên duyệt: cửa ấy mà còn lo gì chui không lọt?
Đại hiệu Phở dân lập thời mở cửa...
Bây giờ mới nói đến các tiêu chí cứng. Không hiểu đứa phải gió nào, nghĩ thế nào mà lại đưa là những tiêu chí thật là khó chịu như thế? Tiêu chí đầu tiên là trình độ ngoại ngữ. Nhận thức rằng Ăn uống học cần được phát huy giao lưu quốc tế nên nhất thiết PS, PPS phải có vài ba ngoại ngữ đạt trình độ B (hạng B là cao hơn hạng A chứ không phải viết tắt chữ hạng BÉT đâu) hoặc trình độ C (cấm nghĩ tục C…!). Đến nỗi năm nảo năm nào đó báo chí đăng là có “nhà ăn uống học” vào diện ứng viên xét PS, PPS đã văng ra: “Mẹ kiếp! Xét danh hiệu PS, PPS mà bắt phải Ai- eo với lại Top- pheo thì bằng đánh đố con nhà người ta. Mà hãy chống mắt lên mà xem: bên Mỹ, bên Tây nó phong Xúp-sư có yêu cầu biết tiếng Việt tiếng Tầu đâu?”. Nhưng tiêu chí này rồi cũng nhanh chóng được giải quyết êm đẹp: Có cái “trình độ” ngoại ngữ thì quá khó chứ có cái “Chứng chỉ ngoại ngữ B, C, D, …Z” của Bộ Học cấp thì chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ! (Chính vì thế mà về sau nhiều vị PS, PPS khi giao tiếp với khách hàng quốc tế nhiều thường bị sái cổ sái tay vì phải sử dụng ngôn ngữ hình thể quá nhiều!)
Một tiêu chí thứ hai là: Muốn dự xét danh hiệu PS, PPS phải có số giờ nấu bếp phở thực tế là 120 tiết, 240 tiết gì đấy. Cái này đối với dân hàng phở chính cống thì là chuyên buồn cười, vô nghĩa, nhưng đối với một vị Giám đốc Công ty ăn uống, Cục trưởng, tổng trưởng…thì lại là chuyện khá khó! Nhưng cái khó ló cái khôn: Mấy năm gần đây người ta thấy rất nhiều quan Giám, quan Cục, quan Tổng thường về thăm các hàng phở, tập hợp nhân viên nói vài câu, xuống bếp dòm nom nồi nước phở một lúc và trước khi ra về có thư ký đến đưa cho Chủ cửa hàng một Giấy chứng nhận đã “trực tiếp tham gia nấu phở 5 tiết, 10 tiết …”: Bố chủ cửa hàng nào lại dám không ký? Mà có ký thì cũng mất gì của Bọ? Vậy là tiêu chí này cũng nhanh gọn được giải quyết!
Tiêu chí thứ ba thì có phức tạp hơn: đấy là xét “công trình nghiên cứu về Phở học”. Để giải quyết tiêu chí này phải có thời gian đầu tư lâu dài, không phải chỉ một sớm một chiều. Băng mọi con đường thông thường mà ai cũng biết, chỉ cần chạy đến Ông/Bà nào có chức có quyền, đề xuất một số đề tài cấp Nhà nước, cấp Tổng… rồi ghi tên ứng viên là Chủ trì, những tay hàng phở chính cống thực hiện đề tài thì ghi vào danh sách tham gia: thế là có đề tài, có bài đăng Tạp chí Phở học, có cái để tính điểm. Các Đại hiệu Phở, các Phở viện cấp tập cho ra lò những Hiền sĩ Phở học với hàng loạt đề tài nghiên cứu sâu sắc đại loại như:
- Giải pháp hâm phở cho bếp tập thể
- Nghiên cứu về tác dụng của nước hầm xương đối với Sự phát triển xã hội ở Thế kỷ 22
- Nghiên cứu về phooc-môn trong bánh phở v..v..
Thời gian cứ thế trôi qua, sự nghiệp Phở ngày càng phát đạt, đến quãng năm 2030 thì theo thống kê, số PS, PPS trong cả nước đã lên đến trên 9000 vị, xem ra số PPS, PS của Đại Việt ta đứng đầu A-xi-an, cao hơn Thái Lan, Phi-lip-pin, In-đô- nê-xi-a, các nước bé con con như Singapo, Malai, Bru-nây không thèm so, còn lại Lào, Căm-pu-chi, Miến Điện thì quên đi!
Thật là quang cảnh: Ra ngõ gặp PS, bật Ti vi thấy PS.
Những danh thiếp ngày càng dài thêm:
Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở nhân dân – Tổng giám đốc Lê Văn X
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú, Cục trưởng Bùi thị Y
Mà rồi trong các lực lượng vũ trang cũng có ăn uống, cũng có nấu phở chứ!…Lại xuất hiện những danh thiếp dài hơn nữa:
Phó Phở sư, Hiền sĩ phở học, Hàng phở ưu tú, Thiếu tướng Cục trưởng Trần Văn Z…
Gần đây, có người tẩn mẩn, thống kê số PS, PPS hiện đang làm việc ở MỌI hàng phở trong cả nước (kể cả những PS, PPS là Cửa hàng trưởng, Bí thư Cửa hàng chứ không nấu phở - và có thể cũng không biết nấu phở -) thì chỉ có gần 3000. Quái lạ! Số còn lại gần 70% chẳng hay còn nấu phở NƠI NEO? Hay là chảy máu chất...béo sang Mỹ sang Tây cả rồi?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét