Quẩy nóng dòn đê!
QUẨY NÓNG! QUẨY NÓNG DÒN ĐÊ!
Quẩy nóng dòn…Có lẽ hiếm có bạn sinh viên nào trong chúng ta chưa từng thưởng thức qua hương vị của chiếc quẩy nóng dòn.
Dầu cháo quẩy đê! Thật là tuyệt: Buổi sáng dậy, thể dục một vòng, tắm rửa xong ngồi đối diện một tô phở bò tái đỏ hồng hoặc phở gà ta vàng ươm mà lại kèm thêm mấy chiếc quẩy nóng ròn tan thì thật là …nè, nước bọt ứa ra rồi đây nè…
Mà chẳng cần phải là phở, chỉ một tô cháo lòng, cháo tiết hay là ngay cả chỉ bát cháo trắng với mấy cọng hành xanh hay gói mì tôm rẻ tiền, nhưng cắt thêm vào mươi khoanh quẩy, thậm chí không có cả phở cả mì, cả cháo mà mấy chiếc quẩy chấm với tương ớt thôi thì cũng đã thành một bữa điểm tâm thanh đạm mà tuyệt vời với “giai cấp sinh viên” quanh năm viêm màng túi mãn tính.
Còn đối với người Tầu - người hiện ở Trung Hoa đại lục, ở Đài Loan đã đành mà ngay cả các chú Tầu, chúChệt, chú Khách tha phương cầu thực khắp năm châu trên trái đất – thì món điểm tâm kinh điển buổi sang là : Dìu théo và tâu cheng - Dầu cháo quẩy và sữa đậu nành: Món ăn vừa đủ chất bổ dưỡng vừa thanh đạm phù hợp cho mọi lứa tuổi, mà lại rẻ tiền!
Ôi Dầu cháo quẩy thật là tuyệt vời!
Thế nhưng món ăn đó xuất xứ từ đâu? Tại sao lại gọi nó là Quẩy (gọi tắt) hay Dầu cháo quẩy (tên gọi đầy đủ) ?
Nhiều người từng viếng thăm đất Hàng Châu xinh đẹp của Trung Hoa, chí ít thì cũng đã từng nghe hai câu ca ngợi cảnh đẹp thơ mộng của Tô Châu, Hàng Châu:
Trên trời có cảnh Thiên đàng
Hạ giới có cảnh Tô, Hàng nhị Châu
Hàng Châu có vô vàn thắng cảnh nhưng du khách đã đến Hàng Châu ai cũng nhất thiết phải đến một địa chỉ đã trở thành thiêng liêng trong tâm linh người Trung quốc : Đó là Nhạc vương miếu – miếu thờ Nhạc Phi, một võ tướng trung trinh báo quốc thời Nam Tống.
Nhạc vương miếu - Hàng Châu
Tượng vợ chồng Tần Cối và Vương thị quỳ trước mộ Nhạc Phi
Nhạc Phi sinh ngày 15 tháng 2 năm Sùng Ninh thứ 2 (1103) thời Tống Huy Tông, bị hại ngày 29 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141) đời Tống Cao Tông, hưởng dương 39 tuổi. Ông sinh ra ở huyện Thang Âm, Tương Châu, nay là huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam. Tổ tiên họ Nhạc làm nghề nông, cha Nhạc Phi là Nhạc Hòa tính tình đôn hậu, sống tằn tiện để hay giúp đỡ người nghèo khó. Nhạc Phi lúc nhỏ sống điềm đạm ít nói, siêng năng làm lụng, cố gắng học hành, yêu thích sách binh pháp của Tôn Vũ và Ngô Khởi. Ông may mắn được học võ với thiện xạ Chu Đồng, tay thương cừ khôi Tần Quảng, được tiếng là "vô địch trong vùng".
Cuối thời Bắc Tống, nước Liêu xâm lấn xuống phía Nam, người dân Trung Quốc phải chịu giày xéo dưới gót giày xâm lược của quân Liêu. Từ nhỏ Nhạc Phi đã có lòng yêu nước thương dân, căm thù giặc, luôn nghĩ đến việc báo quốc nên lập chí tòng quân. Năm Tuyên Hoà thứ 4 (1122), Nhạc Phi lúc đó 19 tuổi xin đầu quân.
Chẳng bao lâu, nước Kim dấy lên diệt nước Liêu rồi thừa thắng tràn vào quan ải rầm rộ xâm lăng Bắc Tống. Quân Kim dùng thiết kỵ nên xâm chiếm Trung Nguyên rất nhanh. Lãnh thổ vương triều Bắc Tống bị giày xéo, Bắc Tống sụp đổ hoàn toàn.Vua Cao Tông tháo chạy về phương Nam . lập nên Triều Nam Tống.
Năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), tướng Kim là Ngột Truật cất đại quân vượt sông Trường Giang đánh Tống, thế như vũ bão, quân Tống tháo chạy hoảng hốt. Nhạc Phi lúc đó là một tướng nhỏ, cầm binh tiến quân đến Thường Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay), đánh quân Kim thua trận rồi tiếp tục truy kích, giành thêm chiến thắng ở trấn Giang Đông, Thanh Thuỷ. Nhạc Phi thu hồi được Kiến Khang, bảo toàn được nửa mảnh giang sơn Giang Nam của Nam Tống. Lúc này Nhạc Phi chỉ mới có trong tay 4 vạn quân, mà lien tiếp đánh bại hang chục vạn kỵ binh Kim thiện chiến, trở thành danh tướng kháng Kim oai danh bốn phương, khi tuổi đời mới tròn 27.
Sau khi thu phục được Kiến Khang, Nhạc Phi chuyển quân sang đánh các vùng như Giang Tây, Hồ Nam, Lưỡng Quảng và Phúc Kiến, bình định diệt trừ các đám quân thảo khấu, củng cố được chính quyền Nam Tống. Để khen thưởng cho chiến công của Nhạc Phi, Tống Cao Tông đã cho thêu bốn chữ lớn trên nền cờ "Nhạc Phi tận trung" để tưởng thưởng, lại thăng Nhạc Phi làm Tri sứ tỉnh Giang Tây. Nhưng Nhạc Phi vẫn chưa hài lòng, ông không quên khôi phục Trung Nguyên, đã nhiều lần dâng sớ yêu cầu Bắc phạt, nhưng bọn nịnh thần trong triều phần thì e ngại uy tín Nhạc Phi ngày càng quá lớn phần thì âm mưu câu kết với quan Kim nên nhất quyết ngăn trở Tống Cao Tông chấp nhận.
Nhưng triều đình Nam Tống đớn hèn lại đem thắng lợi của Nhạc Phi làm vốn xin hoà với người Kim. Khi quân Nhạc Phi đang thắng như chẻ tre thì tể tướng gian thần Tần Cối – đã bí mật thông đồng với quân Kim - trong một ngày liên tiếp cho phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi.
Người Kim vốn hận Nhạc Phi đến tận xương tuỷ, đã cấu kết với Tần Cối, bắt triều đình nhà Tống phải giết hại Nhạc Phi để làm điều kiện hoà nghị. Tống Cao Tông đã điều Nhạc Phi đi làm Khu mật phó sứ để tước bỏ hết binh quyền của ông. Ngày 25 tháng 12 năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Nhạc Phi và con trai của mình, Nhạc Vân, bị gian thần Tần Cối cùng vợ là Vương Thị mời đến dự tiệc rồi đánh thuốc độc chết tại đình Phong Ba thuộc Đại lý tự Lâm An.
Hơn hai mươi năm sau, Tống Hiếu Tông (1163-1189) lên ngôi đã giải nỗi oan khuất cho Nhạc Phi, lấy lễ Vương tước cải táng lập miếu cho ông tại đất Ngạc, ban hiệu là Trung Liệt. Năm Thuần Hy thứ 6 (1179) ban thụỵ là Vũ Mục, đến đời Ninh Tông năm Gia Định thứ 4 (1211) phong tước vị là Ngạc vương và cũng thường tôn xưng là Nhạc vương – Nhạc Vũ mục.
Ngày nay, ông được coi như là một trong các biểu tượng lớn của lòng yêu nước và là anh hùng dân tộc của Trung Quốc; bài từ Mãn giang hồng được người Trung Hoa trên toàn thế giới biết tới và mộ của ông ở Tây Hà, Hàng Châu được nhiều người viếng thăm.
Ở bên bờ hồ Tây ở Hàng Châu. có một toà Nhạc vương miếu nguy nga. Người ta cũng tạc tượng cặp vợ chồng gian thần Tần Cối, Vương thị,đúc thành tượng sắt quỳ trước Ngạc vương, bị người Trung Quốc nguyền rủa
Người dân Trung hoa khi đến tế lễ, trước khi vào miếu thờ Nhạc Phi, ai cũng đến đạp vào mình hoặc dùng dao sắt bổ vào đầu tượng vợ chồng Tần Cối mà nguyền rủa: “Bỏ chúng mày vào vạc dầu.”
Cạnh miếu có nhà hang bánh bán đồ ăn điểm tâm cho khách đến lễ đền, thường chỉ có món sữa đậu nành và bánh tiêu :- một loại bánh bột mì rán phồng trong dầu. Thấy tình cảm của khách lễ đền đối với Nhạc Phi đồng thời cũng thấy lòng căm ghét của họ đối với vợ chồng Tần Cối, Ông hàng bánh nghĩ ngay ra một chiêu Marketing tuyệt diệu: Thay vì nặn từng chiếc bánh tiêu lớn, ông ta nặn hai thỏi bột nhỏ mà dài, xoắn lại với nhau đem rán và đặt cho loại bánh mới này cái tên là : DU TẠC CỐI – nghĩa là “Tần Cối bị nấu trong vạc dầu”, hai chiếc bánh xoắn nhau bỏ vào chảo dầu tượng trưng cho cảnh hai vợ chồng Tần Cối xuống địa ngục bị nấu trong vạc dầu –“ăn bánh Du tạc Cối là tỏ lòng biết ơn công đức của Nhạc Phi và căm ghét vợ chồng Tần Cối.”
Bánh mới cũng ngon như bánh tiêu xưa, có chăng dòn hơn tí chút vì hai thỏi bánh nhỏ nên thấm đầu nhiều hơn, dòn hơn chiếc bánh tiêu to trước đây. Nhưng chủ yếu là khách hàng thấy ý nghĩa quá hay nên ai ai cũng ăn, đến miếu Nhạc vương mà không ăn bánh Du tạc Cối thì coi như chưa thật sự có lòng thành với Nhạc vương! Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc mà loại bánh Du tạc Cối lan khắp đất nước Trung Hoa và rồi cả những đất nước xa xôi có người Trung quốc di trú.
Những người Hoa Kiều vào Việt Nam từ mấy trăm năm về trước đã đem theo và phổ biến cái món điểm tâm Du tạc Cối đó – đọc theo âm Tiếng Bắc kinh là Díu cha quay, theo âm Quảng Đông là Dầu cháo quẩy và trở thành món QUẨY mà chúng ta ăn ngày nay!!!
Vitayson sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét